SẮC MÀU VĂN HÓA DÂN GIAN TRANH ĐÔNG HỒ
Chiều ngày 16/11/2024, các em học sinh khối 10 trường THCS, THPT Ngôi Sao đã có cơ hội tham gia buổi ngoại khóa đầy thú vị về nghệ thuật tranh Đông Hồ - một nét đẹp tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam. Buổi học được tổ chức tại Trung tâm Nhân Trí Dũng, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, nhằm mang lại cho các em một trải nghiệm văn hóa sống động và gần gũi. Qua hoạt động ngoại khóa này, học sinh không chỉ được tận mắt quan sát, trực tiếp tham gia vào quy trình làm tranh truyền thống, mà còn hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa, ý nghĩa nghệ thuật của dòng tranh này trong đời sống dân gian Việt Nam.
Buổi ngoại khóa mở đầu với phần giới thiệu về nguồn gốc và lịch sử phát triển của tranh Đông Hồ. Các em được lắng nghe câu chuyện về làng Đông Hồ – cái nôi của dòng tranh dân gian nổi tiếng, nơi những bức tranh đầu tiên ra đời từ bàn tay tài hoa của người dân làng nghề. Các nghệ nhân đã giới thiệu cho học sinh về ý nghĩa đậm chất dân gian của từng tác phẩm nổi tiếng như "Cậu bé ôm gà" "Cá chép trông trăng", "Trâu đen trâu trắng"…, qua đó giúp các em nhận ra bức tranh không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật mà còn mang theo những câu chuyện đời thường, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ những hình ảnh quen thuộc, bình dị, tranh Đông Hồ đã tái hiện một cách sinh động cuộc sống và tâm tư của người dân lao động Việt Nam qua bao thế hệ.
Sau phần giới thiệu, học sinh được chia thành các nhóm nhỏ để trực tiếp tham gia vào từng công đoạn làm tranh Đông Hồ truyền thống. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân, các em lần lượt trải nghiệm quy trình tạo ra những bức tranh độc đáo, từ khâu tạo bản khắc gỗ đến in màu trên giấy điệp. Điều thú vị là các gam màu của tranh đều được làm từ nguyên liệu thiên nhiên như gỗ, lá cây và khoáng sản, tạo nên sắc màu mộc mạc nhưng rất đặc trưng. Các em học sinh rất thích thú khi tự tay thực hiện từng nét chạm khắc, thận trọng in lên từng màu sắc sống động trên giấy. Những đôi mắt chăm chú đã nói lên niềm say mê của các em khi tận mắt chứng kiến mỗi đường nét dần thành hình, mỗi gam màu hiện lên hài hòa, tinh tế dưới bàn tay mình.
Suốt quá trình làm tranh, học sinh thể hiện rõ sự hào hứng và say mê khi được trực tiếp trải nghiệm công việc của một người nghệ nhân Đông Hồ. Đây không chỉ là trải nghiệm làm tranh thông thường mà còn là cơ hội quý giá để các em cảm nhận sự công phu, lao động cần mẫn và nghệ thuật sáng tạo của người xưa. Qua từng bước thực hiện, các em như được sống lại không khí lao động nghệ thuật của các làng nghề xưa, từ đó càng thêm yêu quý và trân trọng những giá trị văn hóa độc đáo mà cha ông đã để lại.
Kết thúc buổi ngoại khóa, mỗi học sinh đều mang về một bức tranh Đông Hồ do chính tay mình làm ra – một thành quả của sự kiên nhẫn, khéo léo và sáng tạo. Các em vui vẻ khoe nhau những bức tranh nhỏ xinh, như một món quà lưu giữ những ký ức đẹp đẽ về trải nghiệm đặc biệt này. Buổi học không chỉ giúp các em hiểu sâu hơn về tranh Đông Hồ mà còn góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, ý thức bảo tồn giá trị văn hóa lâu đời. Qua đó, học sinh nhận ra rằng văn hóa dân gian không phải là điều xa vời, mà là một phần trong trái tim, trong cuộc sống của mỗi người.
Buổi ngoại khóa về tranh Đông Hồ đã khép lại trong niềm vui và sự phấn khởi của học sinh. Đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ, giúp các em nhìn nhận văn hóa dân gian với một góc nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn. Thông qua hoạt động ý nghĩa này, tổ bộ môn Ngữ Văn, Hoạt Động Trải Nghiệm – Hướng Nghiệp trường Ngôi Sao hy vọng các em sẽ nuôi dưỡng lòng tự hào về văn hóa dân tộc, cùng với ý thức trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống quý báu mà cha ông đã truyền lại.
Tổ bộ môn Ngữ Văn, Hoạt Động Trải Nghiệm – Hướng Nghiệp
Số lần xem: 164